1. Tôi ghét công việc của mình
Trong cuốn "Suy nghĩ và Làm giàu" của Napoleon Hill, ông viết: "Chẳng ai có thể thành công khi làm việc mình không thích". Gần một thế kỷ sau, trong cuốn "Người giàu suy nghĩ như thế nào", triệu phú tự thân Steve Siebold cũng bày tỏ quan điểm tương tự:
Người giàu luôn cảm thấy hạnh phúc với công việc đang làm. Ảnh:Entrepreneur |
"Người giàu biết rằng đam mê chính là bí mật của sự giàu có. Nỗ lực và đam mê là quan hệ nhân - quả. Phần lớn mọi người cho rằng đam mê là kết quả, thì người giàu lại biết nó chính là nguyên nhân. Nói cách khác, người bình thường đi làm mỗi ngày và hy vọng tìm được đam mê qua các nỗ lực. Còn người giàu đi làm hàng ngày, cảm thấy hạnh phúc vì công việc. Và chính đam mê đó khiến họ thêm nỗ lực".
Vì thế, thay vì than thở chán việc, hãy dành năng lượng tìm công việc khác mà bạn yêu thích thì hơn.
2. Tôi không mua được cái này đâu
Câu nói này tưởng chừng vô hại, nhưng thực sự có ảnh hưởng tiêu cực rất lớn. Sẽ có những lần bạn phải thốt lên rằng: "Cái xe này đắt quá, căn nhà này giá cao quá, tôi không mua nổi đâu".
Nhưng "chính khi nói ra câu đó, bộ não của bạn sẽ lập tức dừng hoạt động", Robert Kiyosaki cho biết trong cuốn "Cha giàu, cha nghèo". Nó sẽ ép bạn rút lui, không nghĩ cách giải quyết vấn đề - tức là kiếm tiền để mua cái mình muốn.
Vì thế, thay vì nói "Tôi không thể mua nó", hãy tự hỏi mình "Làm thế nào để mua nó". Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải mua tất cả. Câu chuyện ở đây là bạn nên thường xuyên tập luyện cho bộ não, luôn nghĩ ra những giải pháp sáng tạo để biến mọi việc thành hiện thực.
3. Người giàu xứng đáng giàu có mà
"Đa phần chúng ta có quan điểm là mình không có quyền, không đủ giỏi để đề nghị, hy vọng hay mong muốn được giàu hơn bây giờ", Siebold cho biết, "Họ luôn nói với bản thân rằng: Mình là ai mà muốn thành triệu phú cơ chứ? Mình là ai mà muốn sống như hoàng đế chứ?"
Trong khi đó, người giàu chỉ đơn giản nghĩ là: "Tại sao không phải là mình?". Họ tin rằng thành công là chuyện tự nhiên và mình xứng đáng có nó.
"Giàu có không phải đặc quyền, mà là quyền lợi. Nếu anh tạo ra giá trị lớn cho mọi người, anh có quyền giàu như mong muốn", Siebold kết luận.
4. Tài sản lớn nhất của tôi là cái nhà
Rất nhiều người có xu hướng coi nhà là tài sản. Nhưng thực tế, sở hữu nhà còn đi kèm nhiều chi phí hơn - tiền trả góp hàng tháng, thuế bất động sản, tiền sửa chữa. Kiyosaki cho rằng với người giàu, nhà là tiêu sản.
"Tôi không nói là không được mua nhà. Mà bạn nên hiểu sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản đã. Nếu muốn một căn nhà lớn hơn, việc đầu tiên tôi làm là mua những tài sản có thể giúp tôi sinh ra tiền trả cho căn nhà đó", ông nói.
5. Tôi chỉ có thể có một trong 2 cái thôi
Người giàu biết họ có thể có cả 2. Vì thế, họ không bao giờ nói "hoặc", mà nói "và".
"Không có lúc nào mà từ "và" lại quan trọng như khi nói đến tiền", triệu phú tự thân T. Harv Eker cho biết trong cuốn "Bí mật tư duy triệu phú", "Người nghèo và tầng lớp trung lưu tin rằng họ phải chọn giữa tiền bạc và các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Nhưng người giàu hiểu rằng chỉ với một chút sáng tạo, bạn hoàn toàn có thể tìm ra cách đạt cả 2".
6. Mai tôi làm sau
Hill cho rằng đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại. "Phần lớn chúng ta thất bại vì đợi thời cơ để bắt đầu làm thứ gì đó. Đừng chờ đợi, vì thời gian chẳng có lúc nào là tốt nhất đâu", ông cho biết.
Nếu muốn gây dựng tài sản, hãy bắt đầu từ hôm nay và dùng mọi công cụ anh đang có. Hãy đọc một cuốn sách về tài chính cá nhân, xem những chương trình về quản lý tiền bạc và lập kế hoạch tài chính cho mình.
7. Tiền không phải là vấn đề
Người giàu thì nghĩ hoàn toàn ngược lại. Họ coi tiền là thứ giúp mình có tất cả - tự do, cơ hội, khả năng. Họ không ngại phải thừa nhận rằng, một cách logic, thì tiền có thể giải quyết phần lớn các vấn đề.
Trong khi đó, đa phần chúng ta coi tiền như kẻ thù vậy. Chúng ta được dạy rằng tiền rất hiếm, khó kiếm và khó giữ.
Dù vậy, cũng có những lúc tiền chẳng thể mua được hạnh phúc. Và chính người giàu cũng thừa nhận điều này.
Hà Thu(theo BI)